
Tọa thiền trên đỉnh Ngọa Vân
Trên đỉnh Ngọa Vân trang nghiêm, thanh tịnh, bên Phật Hoàng Bảo Tháp, người phật tử thực hành “tham thiền”
11h45 phút ngày 23/09/Giáp Ngọ, sau khi Thầy Thích Vân Phong dẫn chúng dâng hương, đỉnh lễ Tam Bảo nơi chính điện Ngọa Vân ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, chúng tôi được Thầy chia sẻ và hướng dẫn “phút tham thiền” vô cùng ý nghĩa, chỉ có thể cảm niệm từ tâm.
Thầy Thích Vân Phong dẫn chúng dâng hương, đỉnh lễ Tam Bảo nơi chính điện Ngọa Vân
Trước khi vào “tham thiền”, Thầy Vân Phong đã chia sẻ cùng các phật tử căn bản về tông truyền Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Xưa kia, Nhị Tổ Trúc Lâm, Pháp Loa tôn giả từng khai thị rằng: “Người học Phật phải chú trọng đến vấn đề kiến tính (thấy được chân tâm, Phật tính mình). Thế nào gọi là thấy tính? Thấy đây là thấy cái không thể thấy.
Cho nên thấy được cái “thấy-không-thấy” tức là chân tính hiện ra. Cái thấy về thể tính vốn vô sinh cho nên không có sự phát sinh của cái thấy ấy. Tính cách thực hữu của Tính chính cũng là Không, nhưng cái thấy chân thực lại không thay đổi, cho nên nói là thấy tính một cách chân thực.
Tham thoại đầu thì chớ để gián đoạn, phải nên tham cứu liên tục không xen kẽ một ý niệm nào khác. Giữ đừng để nghiêng ngả, không trạo cử cũng không hôn trầm, hoạt bát như “ngọc lăn bàn thạch”, sáng sủa như gương chiếu trên đài. Đạt đến chỗ đó thì đi cũng vậy mà đứng cũng vậy, ngồi cũng vậy mà nằm cũng vậy, nói cũng vậy mà lặng thinh cũng vậy, không lúc nào mà không ở trong trạng thái thiền.
Như vậy mới giải phẫu tam cú, tam huyền, tam yếu, ngũ vị, tìm hiểu tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng và những điểm thiết yếu khác của các vị Thiền tổ”.
"Phút Tham thiền" gieo duyên trước Phật Hoàng Bảo Tháp
Tiếp đó, Thầy Vân Phong bắt đầu hướng dẫn các phật tử cách tham thoại đầu theo Thiền phái Trúc Lâm:
Câu thoại đầu là câu hỏi, có hỏi thì phải có trả lời, cũng như câu: “Khi chưa có Trời đất, ta là cái gì?. Các phật tử hỏi thầm trong bụng, cảm thấy không hiểu thì đáp không ra, đáp không ra thì càng thấy thắc mắc, chính cái thắc mắc đó gọi là Nghi tình.
Hỏi câu thứ nhất đáp không ra thì tiếp tục hỏi câu thứ nhì, đáp không ra, tiếp tục hỏi câu thứ ba, cứ tiếp tục hỏi mãi, ngày đêm không ngừng, bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, đang làm công việc tay chân hay bằng trí óc, đi bộ, đi xe, đang ăn cơm, đang đi cầu, đang ngủ mê, đều phải tiếp tục hỏi tới hoài, không giây phút gián đoạn.
Người sơ tham thì hay quên cũng như một ngày 24 tiếng đồng hồ, gián đoạn 23 tiếng, tập tham dần dần thì sự gián đoạn giảm bớt còn 22 tiếng, rồi tiếp tục còn 21 tiếng, 20 tiếng… dần dần đến công phu miên mật, tức là ngày đêm 24 giờ không giây phút gián đoạn.
Khi công phu được thành khối cũng gọi là đến “thoại đầu”, đó là đến lúc “đầu sào trăm thước”. Từ đầu sào trăm thước tiến thêm một bước nữa là kiến tính, đạt đến chỗ tự do tự tại, được giải thoát vĩnh viễn tất cả khổ.
Ai cũng chăm chú lắng nghe Thầy chia sẻ về
phương pháp "Tham thoại đầu"
Thầy nêu ra năm câu thoại đầu, mỗi người chọn một câu thích hợp khi tham thiền:
1. Khi chưa có trời đất, ta là cái gì?
2. Muôn pháp về một, một về chỗ nào?
3. Trước khi cha mẹ chưa sinh, mặt mũi bổn lai của ta ra sao?
4. Sinh từ đâu đến, chết đi về đâu?
5. Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?
Cả đoàn đều chọn, và dường như “đồng tâm tương thích” 2 câu thoại đầu: “Khi chưa có trời đất, ta là cái gì?” và câu “Sinh từ đâu đến, chết đi về đâu?”.
Trên đỉnh Ngọa Vân trang nghiêm, thanh tịnh, bên Phật Hoàng Bảo Tháp, người phật tử thực hành “tham thiền”, nơi từng người chắc hẳn cảm niệm sâu sắc ân đức cao dày của các bậc Thiền tổ.
Dù là “Phút tham thiền” thực tập gieo duyên, nhưng ý nghĩa khó thể nghĩ bàn. Lúc tác nghiệp, tôi cảm nhận rõ nét an nhiên, tự tại ở từng người. Thật lành thay, hoan hỷ thay…
Thường Nguyên