I, AM - CHÙA NGỌA VÂN
“Ai qua Yên Tử, Chùa Hương
Ngoạ Vân chưa tới, Phật tâm chưa thành”
Am - Chùa Ngoạ Vân là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật Giáo Trúc Lâm. Trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt, Am - Chùa Ngoạ Vân có vị trí đặc biệt quan trọng bởi đây là nơi sơ tổ Phật Giáo Trúc Lâm (tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông) tu hành cuối đời và đắc đạo hóa Phật. Ngài đã chọn lọc và tổng hợp những tinh tuý của các dòng thiền đương đại thời bấy giờ như: Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tì -ni- đa- lưu-chi và pha trộn một chút Tông Lâm Tế để sáng lập ra dòng Thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, với tinh thần Hoà Quang Đồng Trần và Phật tại tâm. Đó là lí do vì sao hơn một nửa dân Đại Việt bấy giờ tin tưởng và đi theo Đạo Phật. Đó là giai đoạn thịnh trị của Đạo Phật cũng như chùa quán được mở khắp nơi trên toàn đất nước để hoàng dương Phật Pháp mang lại sự lợi lạc cho chúng sinh. Đây là một phần quan trọng trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính Phủ xếp hạng ngày 09/12/2013.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau hơn một năm truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, vào tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Hải - Hoa Lư - Ninh Bình). Đến tháng 7 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng lại rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại sĩ.
Sau thời gian thu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ dâm từ (nơi thờ tự không chính đáng) và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Đến tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại sĩ lên tu tại một am trên đỉnh Ngoạ Vân. Ngày 01 tháng 11 năm 1308, Ngài an nhiên nhập niết bàn tại am Ngoạ Vân. Vị trí nơi ngài nhập Niết Bàn nay là am Ngoạ Vân thuộc xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Ngoạ Vân vốn là tên một đỉnh núi nằm trên núi Bảo Đài quanh năm mây phủ, Ngoạ Vân nghĩa là mây nằm. Đỉnh Ngoạ Vân nằm trên núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử, tức vòng cung Đông Triều. Do nằm trên vòng cung Đông Triều, phía Bắc được che chắn bởi dãy núi cao (Vây Rồng) nên khi hơi ẩm từ biển thổi vào, bị núi Vây Rồng chặn lại ngưng tự thành mây, khiến cho sườn phía Nam của núi Vây Rồng, trong đó có đỉnh Ngoạ Vân, quanh năm mây phủ, tạo nên khung cảnh mờ ảo, pha chút huyền bí. Vì vậy, nơi đây được gọi là Ngoạ Vân.
Khu am - chùa Ngọa Vân được xây dựng từ thời Trần có quy mô nhỏ, quay hướng Tây Nam. Đến thế kỉ 15, vào thời Lê sơ, khi Nho Giáo là quốc giáo, khu vực này không được quan tâm và xuống cấp nghiêm trọng. Phải đến thời Lê Trung Hưng, Phật Giáo hưng thịnh trở lại, chùa chiền, am tháp được các tầng lớp quý tộc quan tâm và tạo dựng khang trang. Nổi bật là năm Đinh Hợi (1707) niên hiệu Vĩnh Thịnh, Thiền sư Đức Hưng đã tôn tạo và mở rộng Ngọa Vân thành một cụm chùa lớn. Thời kỳ chống Pháp, khu vực này bị giặc đánh phá hư hỏng nặng và đổ nát. Cho đến năm 2002 Am - Chùa Ngọa Vân mới được khôi phục lại và gần nhất là năm 2021 được trùng tu tôn tạo như hiện nay.
Di tích Ngoạ Vân là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 03 lớp trên núi Bảo Đài:
Phiên âm: "Vạn cổ anh linh tự
Tứ thời cảnh sắc tân"
Dịch thơ: "Muôn thuở chùa linh ứng
Bốn mùa cảnh sắc tươi"
Khu vực này có 3 tháp Phật giáo dạng hoa sen bằng đá khá lớn là Phật Hoàng Tháp, Đoan Nghiêm Tháp và Chỉnh Túc Tháp. Ba tháp kết cấu bằng đá, chất liệu đá gạo, đá bán laterit (đá ong). Mặt bằng hình vuông gồm 1 tầng bệ, 2 thầng thân và phần chóp tháp hình quả hồ lô.
Phật Hoàng Tháp ở chính giữa, được Pháp Loa cho xây dựng từ thời Trần, là nơi lưu giữu xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đến thời Lê Trung Hưng (TK18) tòa bảo tháp do Pháp Loa xây dựng đã bị đổ nát. Năm 1707 thiền Đức Hưng (hiệu là Viên Minh) đã cho trùng tu xây mới. Phía trước tháp có tượng voi và ngựa đá, bia đá lập từ năm Minh Mạng 21 (1840). Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị ghi: "Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông hoàng đế, điều ngự vương phật" - (Nam mô a di đà phật, Bài vị thờ Điều Ngự Vương Phật Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần, Hoàng đế Nhân Tông).
Đoan Nghiêm Tháp nằm ở bên trái của Phật Hoàng Tháp, là tháp mộ của Thiền sư Đức Hưng người đã có công cùng với Triều đình từ TK18 cho trùng tu, xây dựng lại Ngọa Vân. Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị ghi: "Nam mô Thiền Lâm thích tử ma ha tì kheo Đức Hưng Thiền sư an tọa hạ" - (Nam mô a di đà phật. Bài vị thờ ma ha tì kheo đệ tử Thiền Lâm, Thiền sư Đức Hưng).
Chỉnh Túc Tháp nằm ở bên phải của Phật Hoàng Tháp, là nơi thờ thị giả Bảo Sái, thị giả thân cận của Phật hoàng Trần Nhân Tông và là người chứng kiến Phật hoàng viên tịch sau đó thực hiện theo những lời căn dặng của Phật hoàng. Tháp được xây dựng năm 2021 trong đợt trùng tu gần nhất, để tri ân công đức của Ngài, các cấp chính quyền và Ban trị sự giáo hội đã cho đặt tháp tưởng nhớ Ngài.
Am Ngọa Vân - nơi đặt tượng đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông với dáng nằm mô phỏng Phật nhập Niết Bàn. Am được xây bằng gạch, mái cuốn vòm bằng gạch; hồi phía Nam mở một cửa ra vào, trên đề ba chữ Hán "Ngọa Vân Am" tức là Am Ngọa Vân. Theo truyền thuyết khi Phật hoàng nhập Niết Bàn ngài nằm ở tư thế sư tử trên một tảng đá lớn, tảng đá nơi Phật hoàng nhập Niết Bàn được gọi là Đá Niết Bàn.
Nơi cao nhất của khu vực này là Bàn Cờ Tiên - là dấu vết của tịnh thất khi xưa. Chùa Trung, Tịnh thất và ngọn Tháp bút (nằm ở Thông Đàn 1) nằm trên một trục đường thẳng, đó là trục thần đạo của Chùa Ngọa Vân.
Lễ hội xuân Ngọa Vân được diễn ra từ ngày 09 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng ba âm lịch hằng năm. Với nhiều ngh lễ quan trọng như: Lễ cầu quốc thái dân an, lễ giải hạn đầu năm, đặc biệt là lễ khai hội xuân Ngọa Vân. Lễ hội xuân Ngọa Vân mang đậm tính chất tâm linh và nhân văn sâu sắc, nhân dân du xuân đầu năm, rước lộc cầu may, cầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
II, CHÙA HỒ THIÊN
Chùa Hồ Thiên tên chữ là Trù Phong tự, thuộc thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, chùa nằm trên lưng chừng núi Trù Phong, ở độ cao 580m so với mặt nước biển, phía nam núi Phật Sơn (thuộc dãy Yên Tử), phía sau và hai bên chùa đều có núi bao bọc, phía trước có đồi tạo thành một vùng phúc địa ở giữa mà theo các nhà phong thủy là có thế “long chầu, hổ phục” rất đắc địa.
Chùa Hồ Thiên được Pháp Loa - tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng vào năm 1327. Tương truyền, Hồ Thiên là nơi các vị cao tăng tu luyện sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tại Quỳnh Lâm viện. Hồ Thiên ở đây có nghĩa là chỉ cảnh phật cõi tiên, để ca ngợi cảnh đẹp nơi Hồ Thiên được xây dựng.
Theo tư liệu lịch sử, ngày 01/11/1308, Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông nhập cõi Niết Bàn và hóa Phật, Pháp Loa chính thức trở thành đệ nhị của Thiền phái Trúc Lâm và trở thành Giáo chủ của Giáo hội Phật giáo nước Đại Việt. Thời gian Pháp Loa làm chủ Giáo hội, Phật giáo Việt Nam phát triển về mọi mặt, ông cho xây dựng chùa chiền khắp nơi, Giáo hội được mở rộng, số người xuất gia vào Giáo hội Trúc Lâm ngày càng đông trong đó có nhiều bậc vương tôn công tử. Tính đến năm 1329, số tăng sĩ đã được xuất gia trong giới đàn do Giáo hội Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15.000 người, trong đó hệ đắc tử pháp trên 3.000 người. Ngoài việc giảng dạy, tu thiền cho các tăng sĩ, Pháp Loa còn quan tâm đến xây dựng hệ thống chùa chiền. Thời gian này, chùa, phật điện, tăng đường phát triển khắp nơi. Ông đã cho xây dựng 5 cây bảo tháp, hai cơ sở hành đạo lớn ở Quỳnh Lâm và Báo Ân và một số ngôi chùa nổi tiếng như: Côn Sơn, Thanh Mai, Hồ Thiên...
Dưới thời Lê Trung Hưng, cùng với các chùa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, chùa Hồ Thiên được triều đình nhà Lê cho đại trùng tu, tôn tạo. Để xây dựng lại chùa có qui mô to lớn như dấu vết hiện còn, triều đình đã huy động sức dân ở 5 huyện Giáp Sơn, Thủy Đường, Đông Triều, Kim Thành và Thanh Hà. Trong lần đại tu này, các công trình đã được xây mới gồm: Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.
Trải qua thời gian, chùa chính, nhà tăng, nhà tổ đã bị sập đổ nhưng nền móng còn khá đầy đủ. Hiện nay, thị xã Đông Triều đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu tổ chức khai quật khảo cổ di tích Hồ Thiên. Các cơ quan chức năng cũng đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích này. Chùa Hồ Thiên sau khi được trùng tu, tôn tạo sẽ trở thành điểm đến cho nhân dân và du khách thập phương tham quan chiêm bái; là nơi cho các cao tăng đến nhập thất tu thiền theo Thiền Phái Trúc Lâm.
Theo nghiên cứu thực địa, các di tích và vết tích kiến trúc hiện còn trên mặt đất tại chùa Hồ Thiên cơ bản được xây dựng và trùng tu dưới thời Vĩnh Hựu. Trong lần đại tu này, các công trình mới đã được xây dựng gồm: Chùa Chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.
Hồ Thiên - nơi các vị các vị cao tăng sau khi kết thúc khóa học ở Quỳnh Lâm viện về đây tiếp tục tu hành; một trong 14 điểm di tích thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều nay đang được dần hồi sinh. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hàng, Hồ Thiên là điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã Đông Triều.