CHÙA QUỲNH LÂM
CHÙA QUỲNH LÂM LÀ TRUNG TÂM PHẬT GIÁO QUAN TRỌNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM. NGAY TỪ THỜI LÝ, QUỲNH LÂM ĐÃ NỔI TIẾNG LÀ MỘT ĐẠI DANH LAM VỚI TƯỢNG PHẬT DI LẶC LÀ MỘT TRONG TỨ KHÍ CỦA NƯỚC NAM (“AN NAM TỨ ĐẠI KHÍ”). THỜI TRẦN QUỲNH LÂM LÀ TỰ VIỆN LỚN, NƠI ĐÀO TẠO TĂNG TÀI QUAN TRỌNG BẬC NHẤT CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM. THỜI LÊ, QUỲNH LÂM CŨNG LÀ NƠI KHỞI NGUỒN CHO PHONG TRÀO PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO TRÚC LÂM SAU NHIỀU NĂM SUY VI, CÁC VUA LÊ, CHÚA TRỊNH ĐÃ KHÔNG TIẾC TIỀN CỦA ĐẦU TƯ PHỤC HƯNG TRUNG TÂM PHẬT GIÁO QUỲNH LÂM.
(Ảnh: Giang Vĩnh Thịnh)
Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở sườn tây – nam của một đồi thấp xưa gọi là núi Tiên Du (Tiên Du sơn), nay nằm giữa hai thôn Yên Sinh và Hà Lôi, xã Tràng An. Chùa do Quốc sư Nguyễn Minh Không xây dựng dưới thời vua Lý Thần Tông (1116 – 1138). Tại đây, ngoài việc xây dựng các kiến trúc quy mô to lớn, ông đã cho đúc một pho tượng Phật tổ Di Lặc rất lớn, theo tương truyền, tượng cao 6 trượng 6 thước (khoảng 19,8m) và là một trong “An Nam tứ đại khí” (bốn vật khí lớn nhất của nước Nam: Tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm, Chuông Quy Điền chùa Diên Hựu (chùa Một Cột); Tháp Báo Thiên và vạc dầu chùa Phổ Minh). Ngày nay trong khuôn viên chùa còn lại tấm bia đá lớn được dựng vào thời Lý.
Thời Trần, dưới sự trụ trì của Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, chùa Quỳnh Lâm trở thành trung tâm đào tăng tái quan trọng bậc nhất của tông phái Trúc Lâm. Tại đây, năm 1317, Pháp Loa xây dựng và mở rộng chùa thành Tự viện Quỳnh Lâm với khu chùa, khu học đường, thư viện… và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn. Năm 1325, Pháp Loa lại cho xây dựng 2 tòa tháp để tôn trí xá lị của vua Trần Nhân Tông, ông còn cho đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (khoảng 4,8m). Trong công cuộc xây dựng và mở rộng Tự – Viện Quỳnh Lâm, triều đình và quý tộc nhà Trần đã đóng góp nhiều tiền của và sức lực. Riêng thí chủ Tư đồ Văn Huệ vương Trần Quang Triều đã cúng 4.000 quan tiền, nhiều đất đai và gia nô cho nhà chùa. Nhiều quan lại, quý tộc nhà Trần cũng phát tâm công đức tiền bạc, đất đai và gia nô. Dưới thời Trần, Quỳnh Lâm không chỉ là một trung tâm Phật giáo mà còn là một đại danh thắng, nơi các vương hầu, quý tộc nhà Trần thường xuyên lui tới vãn cảnh và lễ Phật. Quỳnh Lâm cũng là nơi lưu giữ nhiều kinh sách quý của Phật giáo. Đầu thế kỷ 15, khi giặc Minh vào xâm chiếm nước ta, chúng đã tàn phá Tự viện Quỳnh Lâm, tượng Di lặc bị phá hủy lấy đồng để đúc súng. Đó là nguyên do tại sao, dấu tích Tự viện Quỳnh Lâm to lớn thời Trần nay chỉ còn là những phế tích nằm sâu dưới lòng đất..
Thế kỷ 16-18, cùng với sự phục hồi của Phật giáo, chùa Quỳnh Lâm cũng được phục hưng và tiếp tục giữ vai trò là trung tâm Phật giáo của xứ Đông. Trong những thế kỷ này chùa liên tục được các vua Lê, chúa Trịnh quan tâm trùng tu, xây dựng. Năm 1629 Thanh Đô vương Trịnh Tráng cho trùng tu lại chùa, sau gần hai năm xây dựng, công việc trùng tu, tôn tạo đã hoàn thành các công trình gồm Điện Phật, nhà Thiêu Hương, Tiền Đường, Giải Vũ, nhà Hậu Phật, Hành Lang tả hữu, Nhà Tăng, Nhà Kho, Tam Quan và Gác Chuông, tổng cộng 103 gian.
Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, Thiền sư Chân Nguyên chọn chùa Quỳnh Lâm là nơi khởi xuất việc khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm. Tại đây, ngoài việc cho khắc in lại kinh sách của thiên tông Trúc Lâm, xây chùa, tô tượng, năm 1684 ông đã cho dựng một tòa Cửu Phẩm Liên Hoa theo kiểu mẫu tòa Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng tại chùa Ninh Phúc. Tiếp nối sự nghiệp phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, để tử của Ngài Chân Nguyên là Thiền sư Như Hiện đã tiếp tục xây dựng, tôn tạo trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm. Năm 1730, được sự hỗ trợ của triều đình mà trực tiếp là của chúa Trịnh Giang, toàn bộ chùa Quỳnh Lâm đã được xây dựng lại. Trong đợt xây dựng này, triều đình đã huy động tráng đinh của các huyện Đông Triều, Chí Linh và Thuỷ Đường trong nhiều năm để tham gia xây dựng chùa. Chúa Trịnh cũng cho rỡ hành cung Cổ Bi (Gia Lâm) để lấy gỗ, cho đào sông làm đường để chở vật liệu phục vụ cho việc xây dựng chùa. Nhiều dấu tích chân tảng, thềm rồng,vv.. hiện còn trong khuôn viên chùa chính là dấu tích của chùa Quỳnh Lâm do chúa Trịnh Giang cho xây dựng.
Thời Nguyễn, qua thời gian và những biến động của xã hội, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1820, triều đình nhà Nguyễn cho trùng tu và tôn tạo lại chùa, quả chuông lớn hiện còn trong chùa được đúc trong dịp trùng tu này. Thời Thiệu Trị (1840-1847), chùa bị cháy Chính Điện và Tiền Đường, sau đó nhân dân địa phương đã cho khôi phục lại. Năm 1910, hoả hoạn lại một lần nữa thiêu trụi toàn bộ nhà cửa, gác chuông, gác trống, … nhân dân lại góp công góp sức xây dựng lại chùa, đến năm 1947, thực dân Pháp ném bom phá huỷ hoàn toàn ngôi chùa.
Hiện nay chùa đã được trùng tu lại hết sức khang trang với 3 tòa điện thờ lớn: Tam Bảo điện, Di Lặc điện và Di đà điện. Các tòa điện đều được dựng bằng gỗ theo cấu trúc chồng diêm. Các cột chính bằng gỗ Ngọc Am hai người ôm, mái lợp ngói sen.